Đình An Hòa Bến Gỗ

Đình An Hòa tọa lạc bên tả ngạn sông Đồng Nai xưa kia thuộc làng Bến Gỗ. Đình An Hòa cách trung tâm thành phố Biên Hòa khoảng 6 km về hướng đông - nam. Đây là ngôi đình cổ kính gắn liền với quá trình khai phá, xây dựng và phát triển làng Bến Gỗ xưa - mảnh đất có vị trí địa lý thuận lợi, kinh tế phát triển, văn hóa đa dạng.

Đình đã được Bộ Văn Hóa - Thể thao - Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia (Quyết định số 100/VH-QĐ, ngày 21/01/1989)[2].

Căn cứ vào hàng chữ mực tàu viết trên xà kèo nhà võ ca: "Dựng miếu 1792", cho thấy đình An Hoà nguyên thủy là ngôi miếu được xây dựng năm 1792, sau đó được nâng cấp chuyển đổi tính năng từ miếu thành đình như hiện tại.

Đình An Hoà thờ Thành hoàng bổn cảnh, vị thần bảo trợ làng và những vị tiền hiền, hậu hiền, những người có công khai phá, mở mang làng, xã. Nhân dân sở tại hàng năm đến đình cúng bái cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, cuộc sống bình an, thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc.

Kiến trúc

Đình An Hoà xây dựng theo hướng đông - nam, ban đầu kiểu chữ nhị (二) gồm một chánh điện và tiền bái. Sau này hai bộ phận trên được nối với nhau bằng một nhà cầu nên trở thành kiểu chữ công (工) như hiện tại. Đây là một trong năm kiểu kiến trúc tiêu biểu của đình làng ở Việt Nam. Đình An Hoà tọa lạc trên một khu đất cao ráo hình chữ nhật,mặt hướng ra sông, phía trước là khoảng sân rộng có hàng cây cổ thụ, có đủ chỗ cho đông đảo dân làng trong ngày cúng thần Thành hoàng hoặc các ngày lễ hội vui chơi, giải trí của làng.

Đình bề thế với những hàng cột gỗ quý to, chắc được trùng tu, tôn tạo nhiều lần kể từ khi khởi dựng. Nét đặc sắc của di tích là nghệ thuật chạm khắc nơi chánh điện. Nhiều cặp liễn đối, hoành phi với các hoa văn tinh xảo được sơn son thếp vàng, treo dài từ các hàng cột từ trong ra ngoài.

Toàn bộ các đầu đao, trụ đỡ, xà ngang... của đình được các nghệ nhân chạm trổ thể hiện các đề tài: Lưỡng long triều nhật, cúc liên chi, mây sóng nước, ngũ phúc lâm môn... Một cách hài hòa, tinh tế, sắc sảo. Đáng chú ý là hình ảnh lưỡng long triều nhật được cách điệu hóa: đầu rồng, thân xương cá đao với các họa tiết mà các nhà nghiên cứu cho là sự thể hiện ước mơ thịnh vượng, lòng khao khát về lễ nghĩa, phản ánh nghề chài lưới của cư dân cổ trên vùng đất này.

Đối với nơi thờ chính, chỉ trừ chánh điện được xây tường ở ba mặt còn lại toàn bộ mặt tiền gồm nhà võ ca, nhà bái đều không xây tường làm nổi bật những hàng cột gỗ tròn đường kính 400 được kê trên bệ đá xanh đỡ hệ thống khung vì của mái.

Mái đình lợp ngói âm dương, đỉnh chánh điện có gắn cặp rồng chầu pháp lam bằng gốm men màu. Nền lót gạch tàu, chia làm ba gian rõ rệt. Từ nhà võ ca nhìn vào chánh điện sẽ thấy ở gian giữa là những cặp liễn, hoành phi chữ Hán, xung quanh chạm khắc hoa văn tinh xảo, sơn son thếp vàng nổi bật trên hai hàng cột và xà ngang chạy suốt chiều dài 47 mét của khu chánh điện làm cho ngôi đình trở nên trang nghiêm và huyền bí.

Chánh điện: là loại nhà 3 gian 2 chái truyền thống ở Nam bộ. Chái phía sau bàn thờ thần (dãy hàng hiên sau) là hậu trường, đây là nơi phục vụ việc tế lễ. Gian giữa thờ thần, hương án bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm khắc hoa lá, rồng uốn lượn. Khám thờ mang hàng chữ "Vạn cổ anh linh". Bên trong là một đại tự: chữ "thần" viết bằng mực đen trên nền đỏ. Phía dưới là chiếc hộp sắt, sơn đỏ trong đựng sắc thần, nội dung như sau:

"Sắc An Hoà Thành hoàng chi thần, nguyên tặng Bảo An, Chính Trực, Hữu Thiện, Đôn Ngưng, Chi ThầnNhưng chuẩn Long Thành huyện, An Hoà thôn, y cựu phụng sự thần, kỳ trương bảo ngã lê dânKhâm sai".Ấn có chữ: Sắc mệnh chi bảoTự Đức ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật.

Tạm dịch:

"Sắc phong thần Thành hoàng An Hoà, trước (đã) tặng là thần: Bảo An, Chính Trực, Hữu Thiện, giữ nước, giúp dân, linh ứng tính đã lâu.Ta (nay) ít đức, lãnh mệnh (tư dân), luôn nghĩ đến thần nên tặng thêm là thần: Bảo An, Chính Trực, Hữu Thiện, Đôn Ngưng.Nhưng cho thôn An Hoà, huyện Long Thành thờ phụng thần như cũ, để thần bảo vệ (lê) dân của taKính vậy thay"Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm (29 -1 -1852).

Nhà cầu: là nơi hành lễ. Nhà cầu là cầu nối giữa chánh điện và nhà bái. Nhà cầu ngoài chức năng là nơi hành lễ còn thờ Tiên sư và Thổ công.

Nhà bái: còn gọi là tiền bái hay tiền đường. Nhà bái và nhà cầu được thông liền với nhau nhưng được phân định bởi một hàng đá chẻ. Phía trước là ba cánh cửa bằng gỗ đơn sơ, đây cũng là cửa vào đình. Nhà bái được tạo dựng bởi hai hàng cột gỗ tròn đường kính 40 cm ở gian giữa và hai hàng cột gỗ vuông (25 cm x 25 cm) ở hai gian bên. Trên xà ngang ở gian giữa treo bức hoành phi đề 4 chữ Hán: Bảo An Chính Trực, đây là 4 chữ đầu tiên thần Thành hoàng của làng được tặng với hàm ý: giúp nước, giúp dân, giữ gìn sự yên ổn, khuôn phép ngay thẳng. Bức hoành phi này không có niên hiệu, vì vậy có lẽ trước thời Tự Đức tức triều Minh Mạng mới được phong thêm hai chữ Hữu Thiện, đến năm Tự Đức thứ 5 (1852) mới được phong thêm hai chữ Đôn Ngưng.

Nhà võ ca: được xây riêng biệt ở sân đình, mặt tiền đối diện với chánh điện. Nhà võ ca xây dựng đơn giản không có tường bao quanh, chỉ có một sân khấu để diễn hát bội và nghi lễ cúng thần. Đối với các ngôi đình ở Bắc bộ, khi diễn hát bội thường ở trong cửa đình, trước chánh điện, người xem đối mặt với thần Thành hoàng. Nhưng ở Nam bộ, đa số nhà võ ca đều đối diện với chánh điện, nên khi diễn hát bội, hoặc diễn trò người trình diễn đối mặt với thần, còn thần Thành hoàng cũng chỉ là một khán giả cùng ngồi xem với dân. Cách bố trí này, đối với người miền Bắc có thể xem là hành động bất kính đối với Thành hoàng, nhưng ở các đình miền Nam nói chung và đình An Hoà nói riêng thì thần Thành hoàng tuy quan trọng nhưng không hề tách biệt với nhân dân mà còn gần gũi, thân thiện với dân như người trong nhà vậy.

Đình An Hoà đã trải qua 4 lần trùng tu lớn:

Lần thứ nhất vào năm 1944: Các cột chính trong đình được nối dài thêm 1 mét để nâng cao chánh điện và mái đình. Nền nâng cao thêm 0,3 mét để tránh ngập lụt khi mùa mưa đến.

Lần thứ hai vào năm 1953: Quân Pháp chiếm đình làm đồn, khi trả lại cho dân, chúng phải xuất tiền đền bù để các bô lão và nhân dân trong làng sửa chữa lại một số hạng mục như: thay đòn tay, lót gạch bông ở tam cấp, tô lại đầu rùa bên phải mái đình. Cũng dịp này, nhân dân sở tại đã đóng góp công của xây dựng thêm nhà võ ca ở phía trước chánh điện.

Lần thứ ba vào năm 1994: Sau khi đình An Hoà được Nhà nước xếp hạng là di tích quốc gia, cũng là thời kỳ ngôi đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Bộ Văn hoá - Thông tin, Cục Bảo tồn Bảo tàng đã cấp 400 triệu đồng cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của địa phương, Nhà Bảo tàng đã trùng tu lại ngôi đình khang trang, bề thế như hiện tại.

Lần thứ tư vào năm 2009: Đây là lần đại tu cho đình An Hoà với quy mô lớn. Đợt trùng tu tôn tạo này từ tháng 1 - 2009 đến tháng 8 - 2009 đã sửa chữa 12 hạng mục, bao gồm: Tiền đình, chánh điện, nhà võ ca, nhà túc, cổng tam quan, tường rào bảo vệ, hệ thống chữa cháy, thoát nước, trồng cây xanh, đồng thời nâng cấp sân và đường nội bộ... Tổng kinh phí trùng tu là trên 5 tỷ đồng, trong đó có 500 triệu đồng do người dân làng Bến Gỗ đóng góp.

Vai trò

Trước năm 1945, đình An Hoà là trụ sở hành chánh của xã, thôn, nơi hội họp của Hội đồng kỳ mục để bổ bán binh dịch, phân chia công điền, công thổ, đặt khoán ước và giải quyết các vụ tranh chấp, kiện cáo, thu sưu, thu thuế, phạt vạ, ăn khao và là nơi thi văn, thi thơ, thi chữ... của các nho sĩ trong làng.

Năm 1952, quân Pháp chiếm đình làm đồn, đình trở thành bót, gọi là bót Bến Gỗ.

Hiện nay, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng (30 - 4 -1975), đình được trả lại cho dân làng, đại diện là Ban quý tế đình An Hoà trông coi, hội họp. Trong những ngày cúng Thành hoàng, đình trở thành trung tâm văn hoá của làng (xã). Các tuồng tích xưa giàu tính nhân văn tích lũy từ đời này qua đời khác được trình diễn tại đình trong vài đêm cho dân làng coi.